Tệ nạn mại dâm không chỉ gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của bản thân các cá nhân thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm mà đồng thời còn có tác động tiêu cực đến cuộc sống gia đình của những cá nhân này.
Theo đó, tại Điều 8 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm như sau:
- Mọi cá nhân và gia đình có trách nhiệm tham gia phòng, chống mại dâm.
- Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích việc phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn mại dâm và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Và đối với cá nhân, tại Điều 8 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã dành ra một điều quy định riêng về trách nhiệm của mọi cá nhân, bao gồm 04 trách nhiệm sau đây:
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm;
- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;
- Giáo dục, quản lý, ngăn ngừa để thành viên trong gia đình mình không tham gia tệ nạn mại dâm;
- Phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin về tệ nạn mại dâm cho cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Đối với gia đình, Điều 13 Pháp lệnh và Điều 9 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định mỗi gia đình đều phải có trách nhiệm:
- Tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình mình về phòng, chống mại dâm;
- Xây dựng gia đình hoà thuận, sống chung thuỷ lành mạnh;
- Tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống mại dâm;
- Phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành quản lý, giáo dục người có hành vi mua dâm, bán dâm ở tại địa phương.
Riêng đối với gia đình có người bán dâm thì ngoài những trách nhiệm trên còn có các trách nhiệm như sau:
- Quản lý, giúp đỡ, chăm sóc người bán dâm được giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo sự hướng dẫn, giám sát của tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ và của chính quyền cơ sở;
- Quản lý, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người bán dâm tái phạm hoặc có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội;
- Động viên, giúp người bán dâm xoá bỏ mặc cảm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng.
Phòng, chống mại dâm không chỉ là trách nhiệm riêng của Nhà nước mà là trách nhiệm chung của từng cá nhân, từng gia đình và rộng hơn là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì lẽ đó, mỗi cá nhân chúng ta cần tự bảo vệ bản thân, gia đình tránh xa mại dâm vì một xã hội “nói không với mại dâm” để nhằm góp phần xây dựng đất nước ta ngày một phồn vinh, hưng thịnh./.
Ngọc Giàu