Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự mà gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo trong thi hành án hình sự được thực hiện theo quy định của Luật Tố cáo.
Luật Thi hành án hình sự quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Công an cấp xã;
- Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;
- Tư lệnh Quân khu và tương đương giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc phạm vi quản lý.
- Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.
Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Cơ quan, người có thẩm quyền, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.
Anh Tuyết