Tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng đang diễn biến theo chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh, phức tạp bằng nhiều hình thức hoạt động mới cùng với thủ đoạn vô cùng tinh vi dẫn đến những hiểm họa khôn lường đối với từng cá nhân, từng gia đình và đối với toàn xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định về các biện pháp phòng, chống mại dâm tại Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003.
Cụ thể, Điều 7 Pháp lệnh quy định về các biện pháp phòng, chống mại dâm như sau: “Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kinh tế - xã hội, hành chính, hình sự và các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm; kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng, chống mại dâm với phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS ”. Theo quy định này thì Nhà nước có 5 biện pháp phòng, chống mại dâm, bao gồm:
- Thứ nhất, biện pháp tuyên truyền, giáo dục;
- Thứ hai, biện pháp kinh tế-xã hội;
- Thứ ba, biện pháp hành chính;
- Thứ tư, biện pháp hình sự;
- Thứ năm, các biện pháp khác để phòng, chống mại dâm.
Tệ nạn mại dâm không chỉ gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của bản thân các cá nhân thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm mà đồng thời còn có tác động tiêu cực đến sức khỏe, giống nòi, đời sống, văn hóa dân tộc, trật tự và an toàn xã hội của cả một quốc gia. Hơn thế nữa, mại dâm là một trong những yếu tố làm gia tăng nhanh nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và phát sinh tệ nạn ma túy.
Vì lẽ đó, từng cá nhân, gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung cần chung tay nhằm đẩy lùi, bài trừ tệ nạn mại dâm và góp phẩn xây dựng đất nước chúng ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc./.
Ngọc Giàu