Khi nói về tệ nạn mại dâm thì có lẽ hầu như không một ai là không biết đến nó. Hơn thế nữa, những hệ lụy, hậu quả mà nó mang đến cho từng cá nhân, gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung là vô cùng lớn.Vậy nên, trong những năm qua mà công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm được các cấp ủy, chính quyền cả nước quan tâm triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp hiệu quả. Theo đó, với mục tiêu xác định lấy nguyên nhân dẫn đến tệ nạn làm gốc mà biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống trở thành một biện pháp giữ vai trò mang tính tiên quyết.
Chính vì vậy, tại Điều 14 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 10 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm quy định các biện pháp kinh tế - xã hội trong phòng, chống mại dâm bao gồm:
- Thứ nhất, dạy nghề, tạo việc làm để có thu nhập, xóa đói giảm nghèo là những biện pháp kinh tế - xã hội quan trọng nhằm ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển tệ nạn mại dâm.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn mại dâm đó chính là xuất phát từ sự khó khăn trong cuộc sống, thiếu hụt về kinh tế. Mặt khác, kèm theo những dụ dỗ và lôi kéo bán dâm của một số cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình (cà phê, bia, karaoke.. ) hay đường dây gái gọi qua mạng, qua các hội nhóm đã khiến cho tệ nạn mại dâm ngày càng trở nên phổ biến hơn. Chính vì vậy, để giảm bớt tệ nạn mại dâm thì Nhà nước cần quan tâm giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, xoá đói, giảm nghèo cho những gia đình nghèo, những người không có việc làm. Bên cạnh đó, cần tạo thêm điều kiện trợ giúp những phụ nữ nghèo được vay vốn, tổ chức tư vấn và hướng dẫn họ tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn làm kinh tế để tăng thu nhập theo các chương trình, dự án nhằm ngăn chặn tệ nạn mại dâm phát sinh, phát triển.
- Thứ hai, tổ chức chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm giúp người bán dâm hoà nhập cộng đồng; trợ cấp khó khăn hoặc tạo điều kiện cho họ vay vốn, tư vấn, hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh để họ có thu nhập ổn định.
Người bán dâm có thể bị lây nhiễm nhiều bệnh qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh tâm lý do hoạt động bán dâm gây ra. Do đó, khi người bán dâm bị phát hiện và bị xử lý thì việc đầu tiên là cần hỗ trợ họ chữa bệnh. Sau đó, những người bán dâm hoàn lương cần được giáo dục, dạy nghề, tạo việc để an cư, hòa nhập với xã hội, tránh tái phạm đối với hành vi bán dâm. Trong trường hợp những người này có khó khăn, họ được trợ cấp khó khăn hoặc tạo điều kiện cho họ vay vốn, tư vấn, hướng dẫn phương pháp sản xuất, kinh doanh để họ có thu nhập ổn định.
- Thứ ba, thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính, về thuế đối với các cơ sở chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoặc các cơ sở kinh doanh có người bán dâm hoàn lương làm việc./.
Ngọc Giàu