Liên quan đến mại dâm, khái niệm này đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể như sau: "Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm".
Theo đó, bán dâm là “hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”; còn mua dâm là “hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Theo quy định này, mua dâm hoặc bán dâm đều là mại dâm. Như vậy, hành vi mua dâm là nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục còn hành vi bán dâm nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Do đó, có thể nói, mua dâm - bán dâm là hai mặt của mại dâm, chúng có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ, không thể tách rời và có thể nhận biết qua các đặc điểm sau:
- Thứ nhất, có hành vi giao cấu;
- Thứ hai, hành vi giao cấu đó phát sinh trên cơ sở có sự trao đổi (trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác). Theo đó, sẽ không phải là mại dâm nếu hai người giao cấu với nhau chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục. Và đây chính là dấu hiệu nhận biết quan trọng để xác định mại dâm.
Mại dâm đang trở thành một vấn nạn ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu và có tác động ngày càng tiêu cực với chiều hướng gia tăng nhanh trên toàn xã hội. Vì lẽ đó, tại Điều 5 Pháp lệnh quy định về việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm như sau:
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Mọi hành vi mại dâm, liên quan đến hoạt động mại dâm phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm nói chung và đấu tranh phòng chống tội phạm mại dâm nói riêng thì bản thân từng cá nhân, tổ chức cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống mại dâm, góp phần giữ vững an toàn trật tự đối với toàn xã hội./.
Ngọc Giàu