Tệ nạn mại dâm đã và đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội bởi nó diễn biến ngày càng khó lường, nguy hiểm với vô vàn những biến tướng và thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm được các cấp ủy, chính quyền cả nước quan tâm triển khai đồng bộ với nhiều biện pháp hiệu quả. Theo đó, với mục tiêu lấy phòng ngừa làm trọng tâm nên công tác tuyên truyền, giáo dục trở thành một biện pháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tại Điều 10 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định như sau:
“Tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm là biện pháp quan trọng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình chấp hành và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm bao gồm: tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống lành mạnh; tác hại của tệ nạn mại dâm; các chủ trương, chính sách, biện pháp, những mô hình, kinh nghiệm và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Việc tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm phải kết hợp với tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS”.
Ngoài ra, Pháp lệnh còn quy định về trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm đối với các chủ thể, bao gồm:
- Thứ nhất, đối với các cơ quan thông tin, tại Điều 11 Pháp lệnh quy định: “Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền thích hợp và phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân về phòng, chống mại dâm”.
- Thứ hai, đối với nhà trường và các cơ sở giáo dục khác, tại Điều 12 Pháp lệnh quy định Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm:
“1. Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mại dâm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải phù hợp với từng loại hình trường học, trình độ, lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên, học viên và phong tục, tập quán của các dân tộc;
2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên, học viên; tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm”.
- Thứ ba, đối với gia đình, theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh thì: “Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên của gia đình về lối sống lành mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình văn hoá; phối hợp với cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân địa phương trong việc giáo dục, quản lý thành viên của gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện để họ hoà nhập cộng đồng”./.
Ngọc Giàu