Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ hai - 01/04/2024 14:19
Hiện nay, tình hình tiêu thụ rượu, bia ở nước ta đang ở mức cao và gia tăng nhanh. Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia tính trên đầu người. Tình trạng sử dụng rượu, bia diễn ra ngày càng rộng rãi trong giới trẻ, đang ở mức đáng báo động. Mỗi năm, nước ta có hơn 40.000 người tử vong liên quan đến rượu, bia
Lạm dụng rượu, bia không những gây hại cho sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây ra các vụ bạo lực gia đình, gây rối trật tự xã hội, thậm chí là tội phạm giết người. Sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông dễ gây ra tai nạn giao thông. Qua kiểm tra của Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm tại tỉnh ta cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 47 vụ giết người, làm chết 19 người, nguyên nhân hầu hết là do người phạm tội sử dụng rượu, bia phát sinh mâu thuẫn. Trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 331 vụ tai nạn giao thông, làm chết 273 người, bị thương 116 người. Vi phạm nồng độ cồn là một trong các vi phạm chính về trật tự an toàn giao thông ở tỉnh ta. Bên cạnh đó, tội phạm cố ý gây thương tích cũng luôn tiềm ẩn phức tạp. Theo quy định của pháp luật nước ta, người sử dụng rượu, bia có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủđã quy định rất cụ thể về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm thường liên quan đến sử dụng rượu, bia; cụ thể như sau: - Hành vi sử dụng rượu, bia gây mất trật tự công cộng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. - Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng. Điều 5, Điều 6 và Điều 8 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở nó nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô là 40 triệu đồng, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là 8 triệu đồng, đối với người điều khiển xe đạp là 600.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển ô tô, mô tô, xe gắn máy còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, thời hạn cao nhất đến 24 tháng. Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định đối với người phạm tộivi phạm quy định về tham gia giao thôngđường bộtrong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy địnhthì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài những tác hại đối với sức khỏe; rượu, bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: Hung hãn, bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội… Vì vậy, đối với các tội phạm thường có liên quan đến sử dụng rượu, bia sẽ bị pháp luật xử phạt rất nghiêm khắc.
- Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể bị xử phạt đến 07 năm tù. - Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì có thể bị xử phạt đến 20 năm hoặc tù chung thân. - Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội giết người có thể bị xử phạt đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cá nhân, tổ chức có quyền được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia; phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Điều 34Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy địnhgia đìnhcó trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia. Bên cạnh đó, gia đình còn phải có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, có trách nhiệm tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật./.