Cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Thứ năm - 18/04/2024 07:53
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
 

Thời gian gần đây, sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, dẫn đến tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
1. Các phương thức, thủ đoạn phạm tội
Loại tội phạm này lợi dụng tính ưu việt của mạng Internet, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội, gây ra nhiều hậu quả xấu đối với xã hội, cuộc sống của người dân. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu tập trung bằng các thủ đoạn sau đây:
Một là, giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ; gửi thư điện tử/ tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM.
Hai là, đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả mạo đăng ký các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo sau đó tìm kiếm những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội để kết bạn và nhắn tin mua hàng, sau khi người bán hàng đồng ý thì các đối tượng sẽ yêu cầu gửi tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet banking, số điện thoại và thông tin của chủ tài khoản. Sau khi nhận được thông tin đối tượng sẽ sử dụng sim rác nhắn tin đến số điện thoại của chủ tài khoản với nội dung: “Tài khoản của bạn đã được cộng một số tiền, để nhận được tiền bạn hãy truy cập vào trang web có đường dẫn ở cuối tin nhắn rồi nhập đầy đủ thông tin như tên tài khoản, số tài khoản và mã OTP để hoàn tất thủ tục nhận tiền”. Khi bị hại nhập thông tin và mã OTP (là mã do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch chuyển nhận tiền) thì các đối tượng chiếm được quyền sử dụng dịch vụ Internet banking của tài khoản ngân hàng đó và ngay lập tức sẽ rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của bị hại chuyển tới tài khoản khác để chiếm đoạt.
Ba là, giả mạo Cơ quan điều tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; gửi thư thông báo tặng cho một kiện hàng giá trị lớn từ nước ngoài với điều kiện phải chuyển trước một khoản phí để làm thủ tục.
Bốn là, qua mạng xã hội đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương, đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho chúng để làm thủ tục nhận hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm là, đối tượng đánh cắp các tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là của người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài) sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị người nhà chuyển hộ tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.
Sáu là, đối tượng sử dụng sim điện thoại khuyến mại hoặc thông qua mạng xã hội facebook, zalo mạo danh các công ty viễn thông gửi tin nhắn thông báo khách hàng trúng các phần thưởng có giá trị như xe máy có giá trị, số lượng lớn tiền mặt... rồi yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng mà bọn chúng chuẩn bị từ trước hoặc mua các thẻ cào điện thoại để chuyển cho chúng làm thủ tục nhận thưởng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bảy là, sử dụng sim rác gọi điện đến các thuê bao di động giới thiệu là có người nhà làm trong các công ty xổ số có khả năng biết trước kết quả đề nghị các chủ thuê bao đánh hộ số lô, số đề để hưởng phần trăm hoa hồng hoặc gửi tiền cho bọn chúng qua các tài khoản ngân hàng thì chúng sẽ cung cấp kết quả xổ số cho các chủ thuê bao trực tiếp tham gia đánh lô, đề. Sau khi bị hại gửi tiền theo yêu cầu thì bị chiếm đoạt.
2. Mức xử phạt một số tội phạm công nghệ cao
Mỗi tội phạm công nghệ cao sẽ có dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng như mức xử phạt khác nhau. Dưới đây là một số tội phạm công nghệ cao phổ biến và mức xử phạt hiện nay:
- Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác» quy định:
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
- Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” quy định:
“1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
- Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng» quy định:
1. Người nào thu thậptàng trữtrao đổimua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3. Cách thức phòng, tránh tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Trong thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác:
- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
- Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển - nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.
- Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem.
- Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.
- Cảnh giác với những trang website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang website ngân hàng... lưu ý chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các website chính thức của ngân hàng có uy tín.
- Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhờ, không nói chuyện qua tin nhắn.
- Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết vì đã có nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng (do mua, mượn, thuê được) để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là hành vi trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo cho cơ quan Công an phối hợp xử lý.
4. Ngày 17/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 720/STTTT-TTr về việc cảnh báo các cuộc gọi giả danh với mục đích lừa đảo
Theo đó, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, mọi người nên bình tĩnh lưu lại số điện thoại để làm chứng cứ và thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng bằng các hình thức sau:
- Thực hiện phản ánh tới số Tổng đài 156 hoặc 5656 (Tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) bằng cách:
+ Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: LD (Số điện thoại lừa đảo)
(Nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656);
+ Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng
dẫn của điện thoại viên.
- Phản ánh đến các cơ quan Công an ở địa phương;
- Phản ánh về Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông – Số 6 Trần Quốc Toản, phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh – Điện thoại: 0276.3631168./.
Hoàng Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập105
  • Hôm nay933
  • Tháng hiện tại67,535
  • Tổng lượt truy cập4,014,318
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây