Người cao tuổi là lớp người có công nuôi dạy, giáo dưỡng con cháu, giữ gìn, truyền thụ, lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa, có những đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”.
Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg quy định lấy tháng 10 hằng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”.
Hiện nay, vai trò của người cao tuổi vẫn tiếp tục phát huy trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Theo thống kê, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 là 12% và dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17%; đến năm 2050 là 25% dân số. Như vậy, với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số ở nước ta, cần nhận thức rõ các tiềm năng, lợi thế của nhóm đối tượng này trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đi đôi với việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho người cao tuổi.
Hiến pháp năm 2013 ở nước ta khẳng định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Điều 23 Luật Người cao tuổi quy định Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp trong các hoạt động giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người và thiên nhiên; xây dựng đời sống văn hoá, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở cơ sở và cộng đồng, tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng người có đức, có tài và các cuộc vận động khác tại cộng đồng; truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và nghề truyền thống cho thế hệ trẻ; nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, tư vấn chuyên môn, kỹ thuật; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, quan liêu, phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động xã hội khác vì lợi ích của tổ chức và nhân dân.
Điều 23 Luật Người cao tuổi quy định để người cao tuổi phát huy vai trò phù hợp với khả năng của mình, Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà người cao tuổi quan tâm; tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến; ưu đãi về vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo; biểu dương, khen thưởng người cao tuổi có thành tích xuất sắc.
Cơ quan, Hội người cao tuổi, các tổ chức khác, gia đình và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi thực hiện các hoạt động phát huy vai trò người cao tuổi./.
Anh Tuyết