Nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông

Thứ hai - 25/03/2024 14:16
(Ảnh: Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra năm 2023 ở Hà Nội, nguồn internet)
(Ảnh: Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra năm 2023 ở Hà Nội, nguồn internet)

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cùng với đó, hàng năm, nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương khoảng 1.500 tỷ USD do tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã đạt được những kết quả rõ rệt, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp với số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông ở mức cao, nhất là đối với giao thông đường bộ.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm ở Việt Nam, tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 2,9% GDP, tương đương mỗi ngày chúng ta mất khoảng 400 tỷ đồng. Trong một năm, tăng trưởng kinh tế được khoảng 7% thì tai nạn giao thông lấy đi gần 3%. Điều quan trọng là trong số rât nhiều người may mắn giữ được mạng sống thì phải chịu thương tật, đau đớn suốt đời, trở thành gánh nặng với gia đình và xã hội.
Điển hình là trong năm 2023, tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta xảy ra 21.880 vụ, làm chết 11.498 người, bị thương 15.255 người; trong đó, xảy ra 34 vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 118 người, bị thương 77 người.  So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.292 vụ, giảm 1.891 người chết, tuy nhiên, tăng 657 người bị thương.
Riêng trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 331 vụ, làm chết 273 người, bị thương 116 người. So với năm 2022, giảm 13 vụ, giảm 58 người chết, tuy nhiên, tăng 33 người bị thương.
Trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 6.496 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 2.686 người, bị thương 5.239 người. Riêng ở tỉnh ta, xảy ra 125 vụ, làm chết 62 người, bị thương 87 người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta vẫn còn ở mức cao, như là: Các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều; cơ sở hạ tầng về giao thông còn hạn chế; hệ thống đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân…
Tuy nhiên, nguyên nhân tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân chưa cao. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát; không đi đúng phần đường, làn đường; chuyển hướng không đúng quy định; không giữ khoảng cách khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; chạy quá tốc độ quy định; sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mà người tham gia giao thông đường bộ thường vi phạm như sau:
* Đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Bị phạt từ 4 triệu – 6 triệu đồng.
- Hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường: Bị phạt từ 2 triệu – 3 triệu đồng.
- Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định: Có thể bị phạt đến 12 triệu đồng.
- Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
* Đối với xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện thì bị xử phạt như sau:
- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và hành vi đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động: Bị phạt từ 800.000 đồng – 1 triệu đồng.
- Hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách: Bị phạt từ 400.000 đồng – 600.000 đồng.
- Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định: Có thể bị phạt đến 5 triệu đồng.
- Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Có thể bị phạt đến 8 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, tùy hành vi vi phạm mà người điều khiển xe còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
* Đối với xe đạp thì bị xử phạt như sau:
- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: Có thể bị phạt đến 200.000 đồng.
- Hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe: Có thể bị phạt đến 100.000 đồng.
- Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn: Có thể bị phạt đến 600.000 đồng.
Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định và trong trường hợp không chấp hành hướng dẫn giao thông thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tai nạn giao thông đường bộ là vấn đề nan giải không của riêng quốc gia nào trên thế giới, khả năng gây chấn thương và tử vong do tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông rất lớn. Nước ta có đặc thù là phương tiện cá nhân cao, ở các thành thị mật độ lưu thông nhiều, ý thức của người tham gia giao thông còn kém nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Vì vậy, mỗi cá nhân khi tham gia giao thông phải luôn có ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho chính bản thân mình và cho người khác./.
 
Anh Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay2,211
  • Tháng hiện tại68,813
  • Tổng lượt truy cập4,015,596
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây