Tìm hiểu khái quát về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ ba - 09/04/2024 08:51
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
   
 

Về bản chất, quan hệ của người tiêu dùng và doanh nghiệp là một loại quan hệ hợp đồng nên các bên được quyền tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, người tiêu dùng thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, để đảm bảo sự cân bằng hài hòa trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh và góp phẩn ổn định trật tự xã hội thì sự can thiệp của Nhà nước trong việc điều chỉnh mối quan hệ này là hết sức cần thiết. Theo đó, sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là điều tất yếu.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản vững chắc đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cân bằng hài hòa, ổn định mối quan hệ xã hội giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 còn bộc lộ những hạn chế, bất cập bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chính vì vậy, ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 07 chương, 80 điều, gồm những nội dung cơ bản sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
- Chương II: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, gồm 23 điều (từ Điều 14 đến Điều 36).
- Chương III: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, gồm 11 điều (từ Điều 37 đến Điều 47).
- Chương IV: Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, gồm 06 điều (từ Điều 48 đến Điều 53).
- Chương V: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, gồm 20 điều (từ Điều 54 đến Điều 73).
- Chương VI: Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm 04 điều (từ Điều 74 đến Điều 77).
- Chương VII: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 78 đến Điều 80).
Theo đó, Luật mới bổ sung thêm 01 Chương quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù và có nhiều điểm mới so với Luật cũ, đặc biệt là:
- Giải thích từ ngữ đối với “người tiêu dùng”: Bổ sung thêm điều kiện “không vì mục đích thương mại” để xác định “người tiêu dùng”.
- Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại Điều 8 của Luật.
- Các hành vi bị cấm: Luật năm 2023 bổ sung một số hành vi bị cấm, bao gồm:
+ Ép buộc người tiêu dùng thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
+ Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh;
+ Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh;
+ Đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng;
+ Không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
+ Ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng;
+ Quy định điều khoản không được phép tại Điều 25 của Luật này trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
+ Thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng trái quy định của pháp luật.
+ Tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp;
+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp, dịch vụ nền tảng số.
- Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội.
Luật năm 2023 bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước./.
                                                                                   Ngọc Giàu


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay1,080
  • Tháng hiện tại67,682
  • Tổng lượt truy cập4,014,465
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây