Câu hỏi và đáp án cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật tháng 5/2021

Thứ ba - 25/05/2021 08:32
Đáp án
Đáp án
Câu 1 (Chọn đáp án đúng nhất). Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, phải có trách nhiệm nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào?
a. Ði đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
b. Sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục.
c. Kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.
d. Các trách nhiệm trên.
Đáp án:
- Câu d.
- Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp “Về đạo đức, lối sống, tác phong” quy định tại mục 2 Phần I của Quy định số 101-QĐi/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (1đ).
“I - NỘI DUNG NÊU GƯƠNG
2 - Về đạo đức, lối sống, tác phong
- Thực hiện nghiêm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện Quy định này.
- Ði đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục.
- Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.
- Kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.”.
Câu 2 (Chọn đáp án đúng nhất). Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; những hành vi nào sau đây bị nghiêm cấm?
a. Lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
b. Lợi dụng việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng; tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
c. Tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở.
d. Các hành vi trên.
Đáp án:
- Câu d.
- Mục 1,2,3 của Quy định số 55-QĐi/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
“1- Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.
2- Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
3- Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.”
Câu 3 (Chọn đáp án đúng nhất). Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng thuộc loại tội phạm nào sau đây?
a. Tội phạm ít nghiêm trọng.
b. Tội phạm nghiêm trọng.
c. Tội phạm rất nghiêm trọng.
d. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đáp án:
- Câu d.
- Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Tử hình”.
- “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.
Câu 4 (Chọn đáp án đúng nhất). Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt gì đối với người phạm tội về tham nhũng?
a. Hình phạt chính.
b. Hình phạt bổ sung.
c. Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
d. Không áp dụng hình phạt tiền.
Đáp án:
- Câu b.
- Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Phạt tiền”.
“Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định”.
- Các Điều từ Điều 353 đến Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (quy định “các tội phạm về tham nhũng”) đều quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung.
Nêu nội dung các Điều này.
Câu 5 (Chọn đáp án đúng nhất). Tịch thu tài sản không áp dụng đối với người bị kết án về loại tội phạm về tham nhũng nào?
a. Tội phạm ít nghiêm trọng.
b. Tội phạm nghiêm trọng.
c. Tội phạm rất nghiêm trọng.
d. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đáp án:
- Câu a.
- Điều 45 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Tịch thu tài sản”.
- “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống”.
Câu 6. Có bao nhiêu biện pháp phòng, ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật? Hãy nêu cụ thể về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn? Đề nghị cho biết việc nhận quà và tặng quà tặng được quy định như thế nào? Đề nghị cho biết các lĩnh vực nào và thời hạn bao lâu mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ?
Trả lời:
Ý 1. Có bao nhiêu biện pháp phòng, ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật?
Chương II (từ Điều 9 đến Điều 54) của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 06 biện pháp phòng ngừa tham nhũng cụ thể như sau:
1. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt.
6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ý 2. Hãy nêu cụ thể về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn?
Mục 3 ( từ Điều 20 đến Điều 23) Chương II của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:
Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
1. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.
2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
a) Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
c) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
đ) Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
e) Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
5. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Điều 21. Thẩm quyền ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong ngành do mình quản lý.
3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền địa phương.
4. Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức mình.
Điều 22. Tặng quà và nhận quà tặng
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 23. Kiểm soát xung đột lợi ích
1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
3. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây:
a) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;
b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích;
c) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
4. Chính phủ quy định, chi tiết Điều này.
Ý 3. Đề nghị cho biết việc nhận quà và tặng quà tặng được quy định như thế nào?
Mục 2 (từ Điều 24 đến Điều 28) Chương IV của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng như sau:
Điều 24. Quy định về việc tặng quà
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
2. Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 25. Quy định về việc nhận quà tặng
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Điều 26. Báo cáo, nộp lại quà tặng
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
2. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
Điều 27. Xử lý quà tặng
1. Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
a) Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
b) Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
c) Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
3. Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
4. Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Điều 28. Xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.”.
Ý 4. Đề nghị cho biết các lĩnh vực nào và thời hạn bao lâu mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ?
- Điều 22 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về các lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ như sau:
1. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành:
a) Bộ Công Thương;
b) Bộ Giao thông vận tải;
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
e) Bộ Tài chính;
g) Bộ Tài nguyên và Môi trường;
h) Bộ Thông tin và Truyền thông;
i) Bộ Xây dựng;
k) Bộ Tư pháp;
l) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
m) Thanh tra Chính phủ;
n) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
o) Văn phòng Chính phủ.
2. Nhóm 2 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Bộ Khoa học và Công nghệ;
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
d) Bộ Y tế;
đ) Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
e) Ủy ban Dân tộc.
3. Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành:
a) Bộ Công an;
b) Bộ Quốc phòng;
c) Bộ Ngoại giao.
4. Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
- Điều 23 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ như sau:
1. Thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ được quy định như sau:
a) Từ 12 tháng đến 24 tháng đối với nhóm 1 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này;
b) Từ 06 tháng đến 12 tháng đối với nhóm 2 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 22 của Nghị định này;
c) Đối với nhóm 3 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 22 của Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ;
d) Đối với nhóm 4 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 22 của Nghị định này là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể thời hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ trong từng lĩnh vực thuộc các nhóm quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này.
Câu 7.  Xung đột lợi ích là gì? Các trường hợp nào được xem là xung đột lợi ích? Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích được thực hiện như thế nào? Cơ sở nào xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình?
Trả lời:
Ý 1. Xung đột lợi ích là gì?
Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về giải thích từ xung đột lợi ích như sau:
“Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.”.
Ý 2. Các trường hợp nào được xem là xung đột lợi ích?
Điều 29 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định: Các trường hợp xung đột lợi ích (1đ)
Người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;
2. Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
3. Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
4. Sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
5. Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;
6. Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;
7. Ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;
8. Có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;
9. Can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.
Ý 3. Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích được thực hiện như thế nào?

Điều 32 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích như sau:
1. Việc quyết định giám sát thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyên người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.
2. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có xung đột lợi ích căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của nhiệm vụ, công vụ, quyết định tự giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện việc giám sát.
3. Nội dung giám sát bao gồm:
a) Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích bao gồm tiến độ và kết quả đã đạt được;
b) Khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
c) Các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích.
4. Người được giao giám sát có trách nhiệm sau đây:
a) Yêu cầu người có xung đột lợi ích thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát;
b) Làm việc trực tiếp với người có xung đột lợi ích khi xét thấy cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích giám sát;
c) Báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với người giao giám sát về khó khăn, vướng mắc hoặc hành vi vi phạm pháp luật của người có xung đột lợi ích để có các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời;
d) Báo cáo với người giao giám sát khi có căn cứ cho rằng việc giám sát không phù hợp với xung đột lợi ích hoặc khi xung đột lợi ích không còn.
Ý 4. Cơ sở nào xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình?
Điều 76 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định căn cứ xác định trách nhiệm như sau:
1. Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng.
2. Mức độ của vụ việc tham nhũng được xác định như sau:
a) Vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm;
c) Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm;
d) Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (được đính chính bởi Mục 5 Công văn số 298/CP-V.I ngày 22/7/2019 của Chính phủ về đính chính của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP).
Câu 8. Hình thức xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được quy định như thế nào? Quy định về áp dụng hình thức kỷ luật đối với các trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng như thế nào? Ai có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng? Cơ quan báo chí, nhà báo, công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tham nhũng?
Trả lời:
Ý 1. Hình thức xử lý người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được quy định như thế nào?
Điều 77 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy như sau:
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật như sau:
1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.”.
Ý 2. Quy định về áp dụng hình thức kỷ luật đối với các trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng như thế nào?
Điều 78 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Hình thức khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.
2. Hình thức cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
3. Hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Ý 3. Ai có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng?
Điều 79 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định về trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật như sau:
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan hoặc người có thẩm quyền về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.
Ý 4. Cơ quan báo chí, nhà báo, công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống tham nhũng?
- Điều 75 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo như sau:
1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
- Điều 77 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng như sau:
1. Công dân tự mình hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia phòng, chống tham nhũng.
2. Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay450
  • Tháng hiện tại70,157
  • Tổng lượt truy cập4,016,940
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây