Đáp án câu hỏi cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật tháng 4 năm 2021

Thứ hai - 26/04/2021 10:56
Đáp án
Đáp án
Câu 1 (Chọn đáp án đúng nhất). Về độ tuổi bầu cử và ứng cử:
a. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
b. Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật.
c. a và b đúng.
d. a và b sai.
Đáp án:
- Câu c.
- Điều 27 Hiến pháp năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
- Điều 2 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về “Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử”: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.
Câu 2 (Chọn đáp án đúng nhất). Ngày bầu cử được quy định là ngày nào?
a. Ngày thứ bảy.
b. Ngày chủ nhật.
c. 02 ngày (thứ bảy và chủ nhật).
Đáp án:
- Câu b.
- Điều 5 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về “Ngày bầu cử”.
- “Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử”.
Câu 3 (Chọn đáp án đúng nhất). Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử không?
a. Có.
b. Không.
Đáp án:
- Câu b.
- Điều 27 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về “Những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử”.
- “Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử. Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế”.
Câu 4 (Chọn đáp án đúng nhất). Về ghi tên vào danh sách cử tri:
a. Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri.
b. Không phải mọi công dân đều được ghi tên vào danh sách cử tri.
Đáp án:
- Câu b.
- Khoản 1 Điều 29 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về “Nguyên tắc lập danh sách cử tri”: “Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này”.
- Khoản 1 Điều 30 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về  “Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri”: “Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri”.
Câu 5 (Chọn đáp án đúng nhất). Cử tri có thể bỏ phiếu ở nơi khác với nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri:
a. Đúng.
b. Sai.
Đáp án:
- Câu a.
- Điều 34 Luật Bầu cử ĐB QH và ĐB HĐND các cấp năm 2015 quy định về  “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
- “Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.
Câu 6. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân? Các trường hợp nào bị xóa tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân?
Đáp án:
Ý 1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức QH năm 2020  và Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có các tiêu chuẩn sau đây:
- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Hôi đồng nhân dân.
Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.
Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20 tháng 01 năm 2021: Đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, người được giới thiệu ứng cử để làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách còn cần đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, vị trí công tác đang đảm nhiệm, về tình hình sức khỏe và độ tuổi ứng cử, tái cử (nêu cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20 tháng 01 năm 2021).

Ý 2. Những người nào không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân?

Điều 37 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Ý 3. Các trường hợp nào bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân?

Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định xóa tên người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
1. Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
2. Người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban bầu cử công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Câu 7. Vận động bầu cử là gì và những nguyên tắc trong vận động bầu cử? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử? Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do cơ quan nào chủ trì và nội dung của hội nghị tiếp xúc cử tri được quy định như thế nào? Thời gian tiến hành vận động bầu cử và hình thức vận động bầu cử được quy định như thế nào? Quy định về vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện như thế nào?
Đáp án:
Ý 1. Vận động bầu cử là gì và những nguyên tắc trong vận động bầu cử?
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 63 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định nguyên tắc trong vận động bầu cử như sau:
- Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
- Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
Ý 2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử?
Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử như sau:
1. Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; Ủy ban bầu cử các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.
2. Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và việc vận động bầu cử ở địa phương.
3. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
5. Kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước.
Ý 3. Hội nghị tiếp xúc cử tri trong vận động bầu cử do cơ quan nào chủ trì và nội dung của hội nghị tiếp xúc cử tri được quy định như thế nào?
Điều 66 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định Hội nghị tiếp xúc cử tri như sau:
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp) tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
2. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:
a) Tuyên bố lý do;
b) Đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;
c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
đ) Người chủ trì hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị.
3. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia và Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi đến Ủy ban bầu cử cùng cấp và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Ý 4. Thời gian tiến hành vận động bầu cử và hình thức vận động bầu cử được quy định như thế nào?
Điều 64 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định thời gian tiến hành vận động bầu cử như sau:
Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định hình thức vận động bầu cử như sau:
Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:
1. Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này;
2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
Ý 5. Quy định về vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện như thế nào?
Điều 67 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng như sau:
1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).
3. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Câu 8. Việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như thế nào? Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử như thế nào? Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào? Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định nhế thế nào?
Đáp án:
Ý 1. Việc khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như thế nào?
Khoản 1 Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như sau:
“1. Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:
a) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng;
b) Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định, cuối cùng;
c) Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.”.

Ý 2. Thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử được quy định như thế nào?

          Khoản 2,3,4  Điều 61 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định thời hạn tạm ngừng việc xem xét khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử như sau:
“2. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
3. Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
4. Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.”.

Ý 3. Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?

Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào quy định của Luật này, Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể 02 tội liên quan đến bầu cử gồm:
- Tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 160):
“1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử hoặc quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 02 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Dẫn đến hoãn ngày bầu cử, bầu cử lại hoặc hoãn việc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
- Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 161):
“1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ý 4. Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?

Điều 87 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định việc giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử như sau:
1. Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội.
Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
3. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập259
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm257
  • Hôm nay1,937
  • Tháng hiện tại68,539
  • Tổng lượt truy cập4,015,322
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây