Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18%.
Sự già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống và đặc biệt là hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 03 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi .
Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 ở Việt Nam đã đề ra mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi, từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nghiên cứu, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư.
Chương trình được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày; tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa...
Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công ở giai đoạn 1./.
Anh Tuyết