Thực trạng công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.
Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có các quy định về xã hội hóa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng các hoạt động sau đây:
1. Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;
2. Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;
3. Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
4. Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
5. Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
6. Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao;
7. Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.
Khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật./.
Anh Tuyết