“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” - Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (01/6 - 30/6)

Thứ năm - 26/05/2022 05:27 1.438 0
(Ảnh: Nguồn https://baodansinh.vn)
(Ảnh: Nguồn https://baodansinh.vn)
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
      Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
           Ngày 20/9/1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình với mục đích tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của gia đình. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến gia đình và các tiến trình xã hội, kinh tế, nhân khẩu học ảnh hưởng đến gia đình.
          Lịch sử ra đời ngày Gia đình Việt Nam được bắt đầu từ ngày 04/5/2001 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hàng năm  Ngày Gia đình Việt Nam. 
Ngày Gia đình Việt Nam được thành lập với ý nghĩa tôn vinh mái ấm gia đình, mọi người cùng quan tâm, giúp đỡ nhau để xây dựng gia đình phát triển bền vững; đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, sự chung tay của toàn xã hội giúp cho các gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. 
        Công tác xây dựng gia đình ở nước ta, nhất là từ khi Ban Bí thư khóa IX ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Nhìn chung, những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng mà chúng ta đã đạt được trong công tác xây dựng gia đình thời gian qua, chúng ta vẫn còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình; chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình; chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế…
          Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.
Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2030 là: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới; hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình.
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là của toàn xã hội.
“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” là chủ đề kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (01/6 - 30/6) là hoạt động ý nghĩa, tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
          Mỗi người chúng ta tiếp tục nỗ lực thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Anh Tuyết


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại174,136
  • Tổng lượt truy cập3,341,615
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây