“Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc như sau: Cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính gồm cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết.
Người yêu cầu cấp lại bản sao từ sổ gốc cần phải xuất trình đầy đủ các hồ sơ: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra; giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính nếu là người được xin cấp nhưng không phải cá nhân, tổ chức được cấp bản chính.
Bên cạnh đó, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ về thủ tục cấp lại bản sao từ sổ gốc gồm 2 bước:
Bước 1: Nộp hồ sơ: người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình hồ sơ quy định.
Bước 2: Cơ quan, tổ chức căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. Trường hợp không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.
Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi yêu cầu qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ, 01 (một) phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao.
Ngoài ra, thời hạn cấp bản sao từ sổ gốc được quy định bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến./.
Thanh Thảo