Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập mà có thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, hoặc theo pháp luật do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo hợp đồng lao động cho một công việc đã thực hiện hay sẽ phải thực hiện.
Từ năm 2019 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhẹ đến đời sống, các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh kế người dân. Nhiều thời điểm người lao động phải nghỉ việc, bị cắt giảm nhân sự dẫn đến thu nhập bị giảm sút.
Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP từ ngày 01/7/2022 đã quy định mức lương tối thiểu tháng được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP trước đây, vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho Doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển sau đại dịch COVID-19.
Vùng I: 4.680.000 đồng (tăng thêm 260.000 đồng).
Vùng II: 4.160.000 (tăng thêm 240.000 đồng).
Vùng III: 3.640.000 (tăng thêm 210.000 đồng).
Vùng IV: 3.250.000 (tăng thêm 180.000 đồng).
Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Đối với mức lương tối thiểu giờ được quy định như sau:
Vùng I: 22.500 đồng.
Vùng II: 20.000 đồng.
Vùng III: 17.500 đồng.
Vùng IV: 15.600 đồng.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Thanh Thảo