Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ tư - 05/05/2021 14:38
Mỗi năm, trên thế giới, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 06 triệu người, trong đó có hơn 05 triệu người đang và đã từng hút thuốc và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới và nó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với gần 50% nam giới trưởng thành hút thuốc. Trong những năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đã mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là sau khi nước ta phê chuẩn thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm… Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Bỏ thuốc lá đã trở thành một phong trào rộng rãi trên thế giới, dù là nước phát triển hay nước đang phát triển cũng đều quan tâm tới vấn đề này. Ðể thúc đẩy phong trào bỏ thuốc lá, thế giới đã chọn ngày 31/5 hàng năm làm "Ngày thế giới không hút thuốc lá" với mục đích cảnh báo những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá. Để góp phần phòng, chống tác hại của thuốc lá; nhất là hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2021 (từ ngày 25 đến ngày 31/5/2021), mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá; không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang; mỗi người hãy từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, của gia đình mình và những người xung quanh, đồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhằm góp phần loại bỏ thói quen hút thuốc trong Nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá./. Anh Tuyết