Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ năm - 26/05/2022 16:29
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã tăng cường chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống đuối nước nên số trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các vụ đuối nước gây tử vong cho trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra và ở mức cao tại một số địa phương. Trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước; tỷ lệ đuối nước trẻ em ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao. Có thể thấy, nguyên nhân đuối nước trẻ em ở nước ta cao là do các bé hiếu động, thích nghịch nước, không biết bơi lội, hoặc là, mặc dù biết bơi lội nhưng không lường trước hết được sự nguy hiểm. Bên cạnh đó, nguyên nhân phổ biến là do cha mẹ trẻ thiếu quan tâm, giám sát con cái, chủ quan để trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ. Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước. Đuối nước là "kẻ giết người" nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng, chống được. Để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy luôn chủ động để mắt tới trẻ, ngay cả khi trẻ biết bơi, để giảm thiểu nguy cơ đuối nước có thể xảy ra với các em; cho các em mặc áo phao đảm bảo chất lượng theo quy định khi tham gia giao thông đường thủy; trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho trẻ để đảm bảo cho trẻ an toàn trong môi trường nước, phòng ngừa những nguy cơ đuối nước cho trẻ, ngay cả khi không có người lớn bên cạnh. Ngày 28/4/2021, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết về phòng, chống tai nạn đuối nước và chọn ngày 25/7 hằng năm là ngày thế giới phòng, chống đuối nước. Ngày thế giới phòng, chống đuối nước năm 2021 lần đầu được phát động với chủ đề “Đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng hoàn toàn có thể phòng, chống”. Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là ban hành Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Tại Việt Nam, đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Từ tháng 01 đến tháng 5 năm 2022, nước ta có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước, mùa hè cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng, phần lớn là do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, xảy vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn... điều này trở thành nỗi đau và mối lo không chỉ của riêng gia đình mà còn là của toàn xã hội. Vì vậy, ngày 04/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công điện số 476/CĐ-BGDĐT yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước. UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 1526/UBND-KGVX ngày 13/5/2022 yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ và nội dung Công điện số 398/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 476/CĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 1283/UBND-KGVX ngày 19/4/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Thời gian vừa qua, trên cả nước liên tục xảy ra các vụ đuối nước gây hậu quả nghiêm trọng, mà phần lớn các nạn nhân đều ở lứa tuổi trẻ em. Ðiều này đang dấy lên nỗi lo về sự an toàn đối với trẻ thơ, nhất là vào thời điểm các em bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè và mùa mưa bão đang đến. Vì vậy, điều cấp thiết nhất để giảm tai nạn và tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em là các bậc cha mẹ, gia đình có trẻ nhỏ phải có trách nhiệm hơn với trẻ, phải có người trông coi, theo sát trẻ để loại bỏ và kịp thời trợ giúp trẻ những lúc trẻ gặp nguy hiểm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong lúc trông coi trẻ, nên trang bị kỹ năng sơ cứu nhanh và đúng cách đối với tình huống đuối nước xảy ra ở trẻ; tăng cường hợp tác liên ngành để xây dựng mạng lưới thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em toàn diện và hiệu quả./.