Hiện nay, tình hình tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội diễn ra phức tạp, gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong nhân dân, để lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho xã hội.
Từ năm 2015 đến nay, toàn quốc xảy ra gần 7.000 vụ án giết người, làm hơn 6.100 người chết, 2.300 người bị thương. Trong đó, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm trên 95%. Riêng trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2015 đến nay, xảy ra 57 vụ án giết người, làm chết 58 người, bị thương 21 người.
Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, nợ nần, mâu thuẫn ghen tuông tình ái hoặc xích mích trong cuộc sống hằng ngày nhưng không được giải quyết kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, nhiều vụ án giết người do mâu thuẫn bột phát nhất thời, nảy sinh khi va chạm giao thông, xích mích trong cử chỉ, lời nói, uống rượu, bia. Tình trạng người bị tâm thần, đối tượng "ngáo đá" giết người tăng, gây lo lắng, bất an trong nhân dân. Xảy ra nhiều vụ giết người có tính chất dã man, tàn sát. Một số vụ án, đối tượng thực hiện hành vi một cách công khai, quyết liệt, quyết tâm thực hiện đến cùng.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội trong những năm gần đây gia tăng, diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng nghiêm trọng là do các nguyên nhân sau:
- Đa số các đối tượng phạm tội có lối sống buông thả, thích thể hiện, xem thường pháp luật, dễ bị kích động dẫn đến các hành vi bạo lực, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
- Do ảnh hưởng của các thông tin tiêu cực, văn hóa phẩm độc hại, bạo lực xâm nhập từ bên ngoài vào ngày càng nhiều (nhất là trên môi trường mạng xã hội).
- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng; công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa triệt để; các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương còn mang tính hình thức.
- Công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không phạm tội hiệu quả chưa cao; công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy còn nhiều bất cập, hạn chế.
Tội phạm giết người là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm tính mạng con người, do đó, người phạm tội này sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội giết người có thể bị phạt tù hoặc bị tử hình; mức phạt tù thấp nhất là 07 năm, cao nhất đến 20 năm, tù chung thân; người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm giết người, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; giải quyết kịp thời, triệt để khiếu nại, tố cáo không để phát sinh thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự; thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi không làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải ở cơ sở để xảy ra tội phạm giết người.
Mặt khác, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Gia đình phải tăng cường quản lý, giáo dục con em của mình trong việc chấp hành pháp luật; đẩy mạnh việc giáo dục tình yêu thương, tôn trọng mọi người cho các bạn trẻ, giúp các bạn trẻ thấy được trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân mình và của người khác để có cách hành xử đúng mực. Bản thân mỗi người phải biết kiềm chế nóng giận, kiểm soát cảm xúc khi gặp mâu thuẫn, xích mích. Làm tốt những điều này thì sẽ góp phần chung tay với Đảng và Nhà nước kéo giảm tội phạm giết người ở nước ta, góp phần đem lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho người dân./.
Anh Tuyết