Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ hai - 19/07/2021 08:00
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống mua bán người; ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu, yêu cầu cụ thể của hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán; người ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và hệ thống Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hàng tháng có chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người trên các trang mạng và mạng xã hội có nhiều người theo dõi, truy cập tại Việt Nam. Chương trình đã đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người, gồm: 1. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, trong đó, tập trung tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ và đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc. 2. Chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương; lồng ghép các thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các thông điệp, tin bài, chuyên mục và tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người. 3. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trong các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người. 4. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như đặc điểm của từng vùng miền. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương. 5. Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học. 6. Xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả; tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư./. Anh Tuyết