Kiên quyết phát hiện, đấu tranh, xử lý, bài trừ mê tín, dị đoan để đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân tộc phát huy giá trị tích cực

Thứ ba - 09/03/2021 02:03 2.166 0
Ảnh: Lễ hội núi Bà Đen (nguồn: https//timeoutvietnam.com)
Ảnh: Lễ hội núi Bà Đen (nguồn: https//timeoutvietnam.com)
     Mỗi độ tết đến, xuân về, người dân Việt Nam lại muốn bày tỏ ước mong một năm mới được làm ăn phát đạt, an lành. Đây cũng là thời điểm nước ta diễn ra nhiều lễ hội, vì vậy, hoạt động “mê tín, dị đoan” núp bóng dưới danh nghĩa “phong tục tập quán”, “tín ngưỡng, tôn giáo” trở nên khó kiểm soát. Không ít người dân vì không phân biệt được giữa “tín ngưỡng, tôn giáo” và “mê tín, dị đoan” nên đã có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, cần phải phân biệt “tín ngưỡng, tôn giáo” và “mê tín, dị đoan” để có ứng xử cho phù hợp.
    “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Còn “tôn giáo” là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
     Trong khi đó, “mê tín, dị đoan” được hiểu là tin vào thần thánh, ma quỷ, định mệnh… một cách mù quáng, không có cơ sở khoa học.
     Hành vi mê tín dị đoan thường núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng trình độ nhận thức thấp của một bộ phận người dân, các đối tượng xấu dễ dàng lừa gạt, mê muội người dân. Hậu quả tình trạng này để lại là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho con người, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội mà còn ảnh hưởng đến những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
     Điển hình là “Hội thánh Đức chúa trời” xuất hiện tại hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng ngàn người tham gia. Giáo lý của tổ chức này có nội dung không đúng với Kinh thánh và mang màu sắc mê tín, dị đoan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, làm xáo trộn đức tin và nảy sinh mâu thuẫn trong một bộ phận quần chúng nhân dân.
     Hay như trường hợp của bà Xuân ở Thanh Hóa, vì tin lời thầy bói phán cháu nội mới sinh là “nghiệp chướng”, nếu bé sống thì bà ta sẽ phải chết và bé chết thì bà ta mới sống nên bà Xuân đã sát hại đứa cháu ruột thịt hòng giữ mạng sống của mình.
     Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 19 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định:
   “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.
      Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Điều 320 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
     “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tin từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
      Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng”.
Như vậy, hoạt động “mê tín, dị đoan” bị Nhà nước nghiêm cấm; còn “tín ngưỡng, tôn giáo” thì không bị cấm. Pháp luật quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
    Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
    Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi bị nghiêm cấm.
    Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do hoạt động mê tín, dị đoan; mỗi người dân cần phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe theo lời bói toán vô căn cứ của những đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan.
Mỗi người dân và toàn xã hội phải kiên quyết phát hiện, đấu tranh, xử lý, bài trừ mê tín, dị đoan để đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân tộc luôn phát huy được các giá trị tích cực vốn có từ hàng nghìn đời nay./.
Anh Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay3,033
  • Tháng hiện tại130,808
  • Tổng lượt truy cập2,989,558
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây