Hoạt động chữ thập đỏ - hoạt động nhân đạo

Thứ hai - 27/05/2024 04:49 67 0
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Ngày 24/6/1859, ở thành phố Solferino, miền Bắc nước Italy, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp – Italy chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, một thương gia Thụy Sĩ tên là Henry Dunant đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.
Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách “Ký ức về Solferino”. Cuốn sách được hoàn thành năm 1862, trong đó, ông đưa ra 2 ý tưởng: Thành lập tại mỗi quốc gia một hội cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, người danh tiếng, khách có tên tuổi để chăm sóc người bị thương khi có chiến tranh; vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) và việc thành lập các Hội quốc gia đầu tiên. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt – chữ thập đỏ trên nền trắng – để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua.
Một năm sau, năm 1864, Công ước đầu tiên mang tên Công ước Geneva được các quốc gia thành viên thông qua.
Đến năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế được thành lập. Ðến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được thành lập là dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phong trào nhân đạo lớn nhất trên toàn cầu.
Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập phong trào, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế.
Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức.
Đến năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ. 
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và Người làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. Hội tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam nữ để làm công tác nhân đạo.
Mục đích cao cả của Hội là nhân đạo, hòa bình, hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội chăm lo hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa; tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, hoạt động trong phạm vi cả nước, theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008 ở nước ta quy định hoạt động chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
Hoạt động chữ thập đỏ trên nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi; công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng, kịp thời và hiệu quả; không phân biệt đối xử, phù hợp với truyền thống nhân ái của dân tộc; sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ; tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về hoạt động nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chữ thập đỏ.
Khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân bị tổn hại về sức khoẻ, tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Nhà nước nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chữ thập đỏ.
- Sử dụng, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người trong hoạt động chữ thập đỏ.
- Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hiện vật do tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho hoạt động chữ thập đỏ.
- Lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
- Lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ để vụ lợi.
- Yêu cầu người được cứu trợ, trợ giúp trả chi phí cho việc tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật trong hoạt động chữ thập đỏ.
- Sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trái pháp luật.
Hội Chữ thập đỏ là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, điều ước quốc tế khác về hoạt động nhân đạo mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo Điều lệ Hội.
Hội Chữ thập đỏ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoặc phối hợp tổ chức thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và thực hiện nhiệm vụ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên thuộc tổ chức của mình và nhân dân tham gia hoạt động chữ thập đỏ; giám sát việc thực hiện pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngoài việc thực hiện quy định trên còn có trách nhiệm phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tổ chức lực lượng thanh niên, thiếu niên hoạt động chữ thập đỏ.
Tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hoạt động chữ thập đỏ./.
Anh Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay7,232
  • Tháng hiện tại16,861
  • Tổng lượt truy cập3,357,837
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây