Cảnh giác với tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em

Thứ ba - 14/11/2023 22:07 130 0
          Trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Đã có trường hợp sau khi bắt cóc trẻ, hung thủ đã ra tay sát hại trẻ. 
          Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu tội phạm nhưng đó là hành vi đặc biệt nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng của trẻ. Qua một số vụ việc cho thấy mục đích của hầu hết các đối tượng là đòi tiền chuộc từ phía gia đình của trẻ. 
         Bắt cóc trẻ em nhằm mục đích đòi tiền chuộc hay vì mục đích nào khác đều là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, trực tiếp gây ra những dư chấn tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển cũng như để lại hậu quả lâu dài cho trẻ. 
         Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu là lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sự sơ hở của người lớn để thực hiện hành vi phạm tội.  
          Những vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản có sự chuẩn bị từ trước, nhắm vào các gia đình giàu có, khá giả. Đối tượng thăm dò quy luật sinh hoạt của gia đình nạn nhân, theo dõi hành trình di chuyển của trẻ, khảo sát địa hình… để ra tay.
          Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là người lạ nhưng cũng có thể là người quen của gia đình nạn nhân; đối tượng lưu manh hình sự, tù tha, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, cờ bạc, lô đề… Các đối tượng đều nhận thức được mức độ nghiêm trọng cũng như mức án có thể phải gánh chịu nhưng vẫn thực hiện tội phạm đến cùng. 
          Điều 169 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể chịu hình phạt mức cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân; người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
         Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có thể chịu hình phạt mức cao nhất lên đến 15 năm tù; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
         Có thể thấy, những vụ án bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em xảy ra liên tiếp thời gian qua, ngoài sự manh động của tội phạm, một phần còn do sự chủ quan, bất cẩn, thờ ơ của gia đình, xã hội. 
          Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em rất nguy hiểm, thường để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ. Luật Trẻ em ở nước ta đã quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Vì vậy, toàn xã hội cần cùng chung tay đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ trẻ em, và hơn ai hết, cha mẹ và người thân của trẻ cần hết sức cảnh giác với loại tội phạm này để bảo đảm sự an toàn cho trẻ./.                                                                  
 Anh Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dõi thi hành pháp luật
Dịch vụ công trực tuyến Tây Ninh
Trung tâm trợ giúp pháp lý
Cổng thông tin Tây Ninh
Bộ Tư pháp
Nghiên cứu, trao đổi, hỏi đáp PL
Tài liệu tuyên truyền PL
Vụ phổ biến giáo dục PL
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay3,143
  • Tháng hiện tại56,123
  • Tổng lượt truy cập3,048,447
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây