Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ tư - 17/03/2021 08:45
Câu 1 (Chọn đáp án đúng nhất). Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô thì bị phạt: a. Phạt cảnh cáo. b. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. c. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. d. Không bị xử phạt vì chưa đủ 16 tuổi. Đáp án: - Câu a. - Khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. - “Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”. Câu 2 (Chọn đáp án đúng nhất). Phạt tiền người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông không cógương chiếu hậu bên trái người điều khiển: a. Từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. b. Từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Đáp án: - Câu a. - Điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông”: “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng”…). - Đáp án b là mức phạt tiền người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô (quy định tạiĐiểm a Khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Câu 3 (Chọn đáp án đúng nhất). Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máychở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách trong trường hợp nào sau đây sẽ không bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng: a. Chở người bệnh đi cấp cứu. b. Chở trẻ em dưới 06 tuổi. c. Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật. d. Các trường hợp trên. e. Không có trường hợp nào nêu trên. Đáp án: - Câu d. - Điểm k Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”. - “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: … Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”. Câu 4 (Chọn đáp án đúng nhất). Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tôthực hiện hành vi vi phạm nào sau đây: a. Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. b. Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. c. Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn hoặc yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. d. Các hành vi trên. Đáp án: - Câu d. - Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ”. - “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; c) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; d) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ”. Câu 5 (Chọn đáp án đúng nhất). Hành vi dựng rạp vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ bị phạt tiền: a.Từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức. b. Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức. c. a và b đúng. d. a và b sai. Đáp án: - Câu c. - Đáp án a(Điểm a Khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 6, điểm b khoản 8, điểm a khoản 9 Điều này”). - Đáp án b (Điểm đ Khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Dựng rạp, lều quán, công trình khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt”). Câu 6. Đề nghị cho biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những nội dung nào Công an nhân dân phải công khai? Hình thức công khai như thế nào? Những việc gì Nhân dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông? Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến như thế nào? Trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định như thế nào? Những việc gì Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông? Hình thức giám sát của Nhân dân được quy định như thế nào? Đáp án: Ý 1. Đề nghị cho biết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những nội dung nào Công an nhân dân phải công khai? Điều 5 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: 1. Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính: a) Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; b) Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; d) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện; đ) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính; e) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính. 2. Công tác đăng ký, cấp biển số xe: a) Quy trình, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe; b) Tên cơ quan, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; c) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe; d) Lệ phí đăng ký xe; đ) Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe; e) Trách nhiệm của cơ quan Công an và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đăng ký xe; g) Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các quy định về đăng ký, cấp biển số xe. 3. Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông: a) Quy trình chỉ huy, điều khiển giao thông; b) Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định; c) Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông; d) Tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 4. Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông: a) Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; b) Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; c) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông. Ý 2. Hình thức công khai như thế nào? Điều 6 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về hình thức công khai của Công an nhân dân như sau: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: 1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an. 2. Đăng Công báo. 3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an. 4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. 5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật. Ý 3. Những việc gì Nhân dân được tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông? Điều 7 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định vềnhững việc Nhân dân tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: 1. Tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 2. Tham gia ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của Nhân dân theo quy định pháp luật). 3. Tham gia ý kiến về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ. Ý 4. Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến như thế nào? Điều 8Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định vềhình thức Nhân dân tham gia ý kiến như sau: 1. Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an. 2. Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý. 3. Thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an. 4. Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập. 5. Thông qua các cuộc điều tra xã hội học. 6. Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an. Ý 5. Trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định như thế nào? Điều 9 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau : 1. Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông. 2. Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông. 3. Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không đảm bảo an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. 4. Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. 5. Thông báo các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, phạm pháp hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham gia giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh Công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm trật tự, an toàn giao thông. 6. Tham gia và hưởng ứng các phong trào giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông. 7. Hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. 8. Tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình chấp hành tốt các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Ý 6. Những việc gì Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông? Điều 10 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: (1đ) 1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. 3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Ý 7. Hình thức giám sát của Nhân dân được quy định như thế nào?(2đ) Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về hình thức giám sát của Nhân dân như sau: 1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. 2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. 3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ. 4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Câu 7. Đề nghị cho biết quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như thế nào? Quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như thế nào? Pháp luật quy định người lái xe taxi có quyền hạn và trách nhiệm gì? Hành khách đi xe taxi có quyền hạn, trách nhiệm gì? Trả lời: Ý 1. Đề nghị cho biết quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như thế nào? Điều 9Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về cung cấp dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như sau: 1. Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 02 phút, kể từ thời điểm máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu. Trường hợp đường truyền bị gián đoạn thì cho phép gửi đồng thời cả dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường. 2. Dữ liệu cung cấp được chia thành 02 loại, bao gồm các dữ liệu định danh và dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe. a) Dữ liệu định danh bao gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải; tên Sở Giao thông vận tải (nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải); biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe); trọng tải xe (số chỗ hoặc khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông); loại hình kinh doanh; họ và tên người lái xe, số giấy phép người lái xe. Dữ liệu định danh này phải được gắn kết với dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe; b) Dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được cập nhật liên tục theo trình tự thời gian và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: số giấy phép người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ GPS) của xe và thời gian. 3. Cấu trúc thông tin kèm theo dữ liệu hình ảnh từ camera như sau: a) Số giấy phép người lái xe là số ghi trên giấy phép người lái xe của người đang điều khiển xe; b) Biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe): viết liền, không phân biệt chữ hoa, chữ thường, không có ký tự đặc biệt. Ví dụ: 30E00555; c) Vị trí (Tọa độ) của xe: Decimal Degree, WGS84 (kinh độ, vĩ độ); d) Thời gian: Unix-time theo múi giờ Việt Nam. 4. Giao thức truyền dữ liệu do Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố. 5. Máy chủ của đơn vị truyền dữ liệu và máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải được đồng bộ với thời gian chuẩn quốc gia theo chuẩn NTP (Network Time Protocol). Ý 2. Quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như thế nào? Điều 10Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải như sau: 1. Việc khai thác dữ liệu từ camera lắp trên xe thực hiện theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin và pháp luật khác có liên quan. 2. Thông tin, dữ liệu từ camera lắp trên xe được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, quản lý hoạt động của người lái xe và phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải, cung cấp cho cơ quan Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), ngành giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải) để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. 3. Thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu từ camera trên môi trường mạng được đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật an toàn thông tin và pháp luật khác có liên quan. 4. Các cơ quan, đơn vị được cấp tài khoản truy cập vào phần mềm dữ liệu hình ảnh từ camera của Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải thực hiện bảo mật tài khoản, bảo mật thông tin theo quy định và khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Ý 3. Pháp luật quy định người lái xe taxi có quyền hạn và trách nhiệm gì? Điều 41 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về quyền hạn, trách nhiệm của người lái xe taxi như sau: 1. Thực hiện đúng, đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông quy định tại Điều 4 của Thông tư này. 2. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo đúng quy định của doanh nghiệp, hợp tác xã. 3. Thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo thông báo trên phần mềm; in hóa đơn hoặc phiếu thu (hoặc gửi hóa đơn điện tử) cho hành khách khi hành khách đã thanh toán đủ tiền. 4. Giữ gìn vệ sinh phương tiện, không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô. 5. Cung cấp thông tin về tuyến đường khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách (đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em) khi lên, xuống xe. 6. Có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách có hành vi gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên xe hoặc đang bị dịch bệnh nguy hiểm; không được chở hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa là thực phẩm bẩn. 7. Có trách nhiệm từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn, phương tiện không có thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp thiết bị nhưng không hoạt động. 8. Người lái xe điều khiển phương tiện tính tiền thông qua phần mềm, trong quá trình vận chuyển hành khách phải có thiết bị truy cập được giao diện thể hiện các nội dung tối thiểu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu. 9. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan. Ý 4. Hành khách đi xe taxi có quyền hạn, trách nhiệm gì? Điều 42Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe taxi như sau: 1. Yêu cầu người lái xe cung cấp thông tin về hành trình chạy xe. 2. Trả tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền và nhận hóa đơn hoặc phiếu thu đúng số tiền thanh toán. 3. Chấp hành các quy định khi đi xe và sự hướng dẫn của người lái xe. 4. Được khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). 5. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Câu 8. Đề nghị cho biết nguyên tắc thu phí điện tử không dừng được quy định như thế nào? Việc mở tài khoản thu phí không dừng được thực hiện như thế nào?Quy định về sử dụng tài khoản thu phí như thế nào?Quy định về sử dụng tài khoản thu phí như thế nào? Các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm và các trường hợp phát sinh được xử lý như thế nào? Quy định về chí phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng như thế nào?Pháp luật quy định về thụ hưởng phí dịch vụ sử dụng đường bộ như thế nào? Trả lời: Ý 1. Đề nghị cho biết nguyên tắc thu phí điện tử không dừng được quy định như thế nào? Điều 4 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc thu phí điện tử không dừng như sau: 1. Tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. 2. Đảm bảo quyền thu phí của nhà đầu tư theo hợp đồng dự án đã được ký kết với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 3. Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng, giữa hệ thống thu phí một dừng với hệ thống thu phí điện tử không dừng tại từng trạm và toàn bộ hệ thống; mỗi phương tiện chỉ dán 01 thẻ đầu cuối để sử dụng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc; việc quản lý, vận hành và công tác thu phí tại trạm (bao gồm cả làn thu phí hỗn hợp) sau khi áp dụng thu phí điện tử không dừng do một đơn vị thực hiện. 4. Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 5. Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. 6. Tăng tốc độ lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng. Ý 2. Việc mở tài khoản thu phí không dừng được thực hiện như thế nào? Điều 10 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về mở tài khoản thu phí như sau: 1. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí mở tài khoản thu phí cho chủ phương tiện trên hệ thống thu phí điện tử không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. 2. Mỗi tài khoản thu phí có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông đường bộ; mỗi phương tiện giao thông đường bộ chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản thu phí. 3. Tài khoản thu phí được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của hệ thống thu phí điện tử không dừng, bao gồm các thông tin sau: a) Thông tin liên hệ của chủ phương tiện: Số chứng minh nhân dân, hoặc số thẻ căn cước công dân, hoặc số hộ chiếu; mã số doanh nghiệp, địa chỉ nơi cư trú hoặc địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại liên lạc và địa chỉ hộp thư điện tử tiếp nhận chứng từ thu phí điện tử không dừng. b) Mã số định danh của phương tiện giao thông đường bộ được nhận chi trả từ tài khoản thu phí. c) Tải trọng phương tiện, số chỗ ngồi, loại xe, biển kiểm soát xe. d) Số tiền trong tài khoản, lịch sử giao dịch của tài khoản. 4. Trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin thay đổi theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều này, chủ phương tiện phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để cập nhật trên hệ thống thu phí điện tử không dừng. 5. Trong thời gian tối đa 5 ngày kể từ khi nhận được thông tin thay đổi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải cập nhật trên hệ thống đăng kiểm và nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải cập nhật trên hệ thống thu phí điện tử không dừng. Ý 3. Quy định về sử dụng tài khoản thu phí như thế nào? Điều 11Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về sử dụng tài khoản thu phí như sau: 1. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo quy định. 2. Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp. 3. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiến hành mở tài khoản trên hệ thống ngân hàng thương mại để tiếp nhận phí dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện khi lưu hành qua các trạm thu phí điện tử không dừng. 4. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm quản lý đối với toàn bộ số tiền của các chủ phương tiện nộp vào tài khoản thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật. Ý 4. Các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm và các trường hợp phát sinh được xử lý như thế nào? Điều 12 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định vềxử lý các trường hợp miễn thu, thu theo tháng, theo quý, theo năm và các trường hợp phát sinh như sau: 1. Các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo quy định của pháp luật có gắn thẻ đầu cuối, khi lưu thông qua làn thu phí điện tử không dừng sẽ được nhận diện tự động và cho phép lưu thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ khác sử dụng làn thu phí hỗn hợp để lưu thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. 2. Thu theo tháng, theo quý, theo năm a) Trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng, theo quý hoặc theo năm cho một hoặc một số trạm thu phí điện tử không dừng cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo tháng, quý, năm. b) Phương tiện giao thông đường bộ đã đăng ký thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng, quý, năm đi qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã đăng ký, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không trừ tiền trong tài khoản thu phí của chủ phương tiện. Ngoài việc trả theo tháng, quý, năm cho trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cụ thể được đăng ký, chủ phương tiện phải duy trì đủ số dư tài khoản thu phí để đi qua các trạm thu phí điện tử không dừng khác trong trường hợp có nhu cầu sử dụng. Ý 5. Quy định về chí phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng như thế nào? Điều 13 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về chí phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng như sau: 1. Chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí là nguồn thu cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để hoàn vốn đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì dự án thu phí điện tử không dừng. Chi phí này được trích trực tiếp từ doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí. Trường hợp doanh thu hoàn vốn của dự án thu phí điện tử không dừng không đảm bảo tính khả thi so với phương án tài chính được duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án thu phí điện tử không dừng. 2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu phí điện tử không dừng phù hợp với phương án đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tại mỗi trạm thu phí. Chi phí này được xác định chính thức theo Hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà cung cấp dịch vụ thu phí và được cập nhật trong phương án tài chính của dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí.(1đ) Ý 6. Pháp luật quy định về thụ hưởng phí dịch vụ sử dụng đường bộ như thế nào? Điều 14 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg quy định về thụ hưởng phí dịch vụ sử dụng đường bộ như sau: 1. Toàn bộ số tiền thu được tại mỗi trạm thu phí điện tử không dừng sẽ được nhà cung cấp dịch vụ thu phí hoàn trả cho nhà đầu tư để đảm bảo hoàn vốn theo quy định tại hợp đồng dự án sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng. Thời gian và hình thức chuyển tiền do nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thống nhất nhưng đảm bảo việc chuyển tiền cho nhà đầu tư không quá 24 giờ kể từ lần chuyển tiền trước đó, trừ các trường hợp đặc biệt đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ thu phí. 2. Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật. 3. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho nhà đầu tư các khoản thất thu do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí./.