Xây dựng chính quyền điện tử được coi là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025, Tây Ninh có 100% cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia...
Nhằm tạo sự thống nhất cao của các cấp, các ngành trong việc quán triệt và cụ thể hoá những nội dung của Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ, tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2030, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, hoàn thành các mục tiêu đề ra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và hướng đến xây dựng thành công chính quyền điện tử, chính quyền số.
Tập trung cải cách hành chính
Theo kế hoạch CCHC, đến năm 2025, Tây Ninh giải quyết tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) bằng phương thức điện tử, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%; 90% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời.
Từ đó, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% TTHC của tỉnh có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80% và môi trường kinh doanh của tỉnh được xếp vào nhóm 20 tỉnh, thành đứng đầu cả nước.
Tây Ninh cũng đề ra nhiều kế hoạch cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cụ thể: đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định; giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030, Tây Ninh tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian. Đồng thời, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp Tây Ninh đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 95%; mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%.
Đáng chú ý, Tây Ninh đề ra mục tiêu vào năm 2025, toàn tỉnh có 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đến năm 2030 sẽ giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử
Xây dựng chính quyền điện tử được coi là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025, Tây Ninh có 100% cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, 80% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu…
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên mạng; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, có sự chỉ đạo xuyên suốt của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xác định rõ nội dung của từng nhiệm vụ, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương mình để thực hiện có hiệu quả. Đồng thời việc triển khai thực hiện phải bám sát các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra sự đột phá trong công tác CCHC và kiểm soát TTHC.
HOÀNG BẮC
(nguồn https://www.sggp.org.vn)