Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ hai - 19/07/2021 08:09
Cư trúlà việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. Quyền tự do cư trú của công dân là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị được xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, cũng như được quy định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đang có hiệu lực quy định về quyền cư trú của công dân là Hiến pháp năm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014), Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, thay thế Luật Cư trú năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản pháp luật có liên quan. Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 22 “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” và quy định tại Điều 23 “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cụ thể hóa các quy định này của Hiến pháp, Điều 4 Luật Cư trú năm 2020 quyđịnh công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp được quy định tại Luật này. Để bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, Điều 5Luật Cư trú năm 2020 quyđịnhNhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. Theo quy định tại Điều 8 Luật Cư trú năm 2020 thì công dân có 07 quyền về cư trú, bao gồm: 1. Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật. 3. Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu. 4. Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu. 5. Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu. 6. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh 07 quyền về cư trú này, thì công dân cũng phải thực hiện 03 nghĩa vụ về cư trú quy định tại Điều 9 Luật Cư trú năm 2020, gồm: 1. Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. 2. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp. 3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8Nghị địnhsố 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể là bị phạt tiền, mức thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất lên đến 04 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả./. Anh Tuyết