Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ hai - 23/08/2021 08:17
Hiện nay, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm. Trung bình mỗi năm, các lực lượng chức năng phát hiện khoảng 400 vụ mua bán người, số nạn nhân lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Nạn nhân mua bán người thường sống ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người dân chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm; gặp những chuyện éo le về gia đình, tình cảm; trình độ học vấn thấp. Bên cạnh đó, các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hoặc báo cơ quan chức năng để trục xuất nạn nhân về nước. Nhằm hỗ trợ nạn nhân của nạn buôn bán người, trong thời gian qua nước ta đã có nhiều hoạt động trợ giúp nạn nhân của nạn mua bán người. Cả nước có hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có gần 200 cơ sở công lập và hơn 200 cơ sở ngoài công lập. Từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, hỗ trợ gần 3.000 nạn nhân. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của nạn mua bán người gồm cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất... Ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Chương trình đã đề ra 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mua bán người. Về nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, được quy định như sau: 1. Xây dựng, triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu, thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. 2. Củng cố, phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm tính sẵn có, dễ tiếp cận; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. 3. Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác./. Anh Tuyết