Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ sáu - 21/01/2022 08:43
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn giao thông. Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và mức xử phạt nghiêm khắc đối với người thực hiện hành vi này, thế nhưng các vi phạm về trật tự ATGT đường bộ liên quan đến rượu, bia vẫn còn thường xuyên diễn ra. Trong năm 2021, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản xử phạt 8.683 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông (chiếm tỷ lệ 23,69% trong tổng số các vụ việc vi phạm ATGT). Do không kiểm soát được nhận thức và hành vi bởi tác động của chất cồn trong cơ thể, người sử dụng rượu, bia thường không làm chủ được tay lái, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành tín hiệu đèn và thậm chí là ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn (do tông vào dải phân cách, gốc cây, trụ điện, các xe khác đang dừng đỗ…) hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các thương tật nặng nề và cái chết đau lòng cho người tham gia giao thông. Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vàNghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có nồng độ cồn trong cơ thể có thể bị xử phạt tối đa đến 8.000.000 đồng (đối với xe mô tô); đến 40.000.000 (đối với xe ô tô) và bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng. Ý thức kém, tâm lý cả nể khi gặp bạn bè sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài và dịp tết Nguyên đán gần kề khiến nhiều người đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Do đó, việc tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi này là hết sức cần thiết, đồng thời, bản thân người tham gia giao thông phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm “đã uống rượu, bia thì không lái xe” nhằm hạn chế TNGT do bia, rượu, chất kích thích gây ra./. Huy Bảo