Luật Tố cáo năm 2018 quy định khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo; người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Theo đó, các biện pháp bảo vệ gồm:
- Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.
- Bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định người được bảo vệ có quyền:
- Được biết về các biện pháp bảo vệ;
- Được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.
Đồng thời, Luật cũng quy định người được bảo vệ có nghĩa vụ:
- Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ;
- Giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ;
- Thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ./.
Anh Tuyết