Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nước ta thì tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định và hôn nhân cận huyết là việc kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết là hủ tục đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng miền ở nước ta và để lại những hậu quả, tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của xã hội, cộng đồng cũng như những người có liên quan, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở nước ta đã giảm nhưng tỷ lệ tảo hôn vẫn còn cao tại một số vùng miền, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
Điều 183 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội tổ chức tảo hôn thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Anh Tuyết