Sở Tư pháp xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninhhttps://pbgdpl.tayninh.gov.vn/uploads/logo-tu-phap.png
Thứ ba - 18/04/2023 09:46
Trong những năm qua, công tác PBGDPL tại địa phương đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và Nhân dân. Tây Ninh đã triển khai khá toàn diện công tác PBGDPL trên cơ sở bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng trung ương. Hằng năm, Ủy ban nhân dân và Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã ban hành Kế hoạch công tác để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và cấp huyện thường xuyên được kiện toàn theo quy định của pháp luật và phát huy vai trò trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, ban ngành trong việc thực hiện công tác PBGDPL. Tỉnh ta đã làm tốt công tác dân vận thông qua hoạt động PBGDPL, tạo sự đồng thuận xã hội với nhiều hình thức phong phú. Nội dung PBGDPL đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước; các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật của địa phương mới được thông qua. Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, nhất là người dân tộc thiểu số, người nghiện ma túy, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người lao động trong doanh nghiệp được các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm triển khai. Hình thức PBGDPL khá đa dạng. Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được thực hiện với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp. Trong triển khai các Chương trình, Đề án PBGDPL, các cấp, ngành đã có sự chủ động, phối hợp tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả, về cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đó, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số mặt tồn tại, hạn chế như sau: Chất lượng, hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ làm công tác PBGDPL, nhất là cấp cơ sở còn chưa tốt. Hình thức PBGDPL chưa sinh động, thu hút nhiều người tham gia. Công tác xã hội hóa PBGDPL còn hạn chế, chưa huy động được nhiều sự tham gia, hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế. Qua cuộc kiểm tra của Đoàn kiểm tra Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương tại tỉnh Tây Ninh ngày 21/6/2022, tại tiểu mục 4.8 mục 4 Kết luận số 2864/KL-ĐKT ngày 09/8/2022 của Đoàn kiểm tra số 03 Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã nêu đề xuất, kiến nghị như sau: “Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL và phân bổ dự toán ngân sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác PBGDPL ở địa phương theo quy định tại Điều 27 Luật PBGDPL”. Do đó, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định xây dựng Nghị quyết quy định biện pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là hết sức cần thiết. Vì vậy, Sở Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo đó, nội dung biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được quy định như sau: 1. Triển khai thực hiện công tác PBGDPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020; xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn kết chặt chẽ việc triển khai các văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. 2. Rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp pháp luật của địa phương liên quan đến công tác PBGDPL, đảm bảo phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. 3. Tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn; gắn với việc đáp ứng quyền tiếp cận thông tin, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. 4. Định kỳ hằng năm, rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng tinh gọn; chỉ công nhận, duy trì hoạt động đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực sự có năng lực, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả; quan tâm bồi dưỡng, công nhận báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số. 5. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội đồng và từng thành viên Hội đồng theo quy định, nhất là công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. 6. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch PBGDPL hằng năm và tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đề ra. 7. Tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án trọng điểm trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, cụ thể: a) Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2023-2030”. b) Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. c) Đề án “Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028”. d) Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027". đ) Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2022-2027”. e) Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”. g) Đề án “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”./.