Ông bà ta đã để lại cho đời sau nhiều câu ca dao và tục ngữ về sống đạo đức, cách hành xử giữa người với người. Trong đó, câu tục ngữ “Một điều nhịn chín điều lành” là một bài học quý giá về sự nhường nhịn mà ông bà ta dạy cho chúng ta. Nhường nhịn là một phương pháp ứng xử quan trọng trong cuộc sống, giúp chúng ta tránh được những xung đột không cần thiết.
Thời gian gần đây, không ít vụ cố ý gây thương tích, thậm chí giết người chỉ vì những mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt, bộc phát nhất thời để lại hậu quả hết sức đau lòng, nạn nhân thì phải chịu thương tật hoặc mất mạng, hung thủ thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Không những vậy, các sự việc này còn gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm cho người dân cảm thấy lo lắng, bất an.
Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực xảy ra từ thành thị đến nông thôn, ở mọi lứa tuổi, từ lứa tuổi thanh thiếu niên đến lứa tuổi trung niên và thậm chí cả ở những người cao tuổi.
Điển hình là vụ việc xảy ra tại Bình Dương vào ngày 30/12/2024, sau khi va quẹt giao thông, nạn nhân đã bị đánh đập tới tấp dẫn đến dập não phải đi cấp cứu tại bệnh viện và đã tử vong.
Hay tại tỉnh ta, vào ngày 25/8/2024, 02 nhóm thanh niên gần 60 người lao vào ẩu đả khiến 02 người chết và 01 người bị thương chỉ vì mâu thuẫn do bạn gái của 01 thanh niên trong nhóm bị trêu chọc qua mạng xã hội.
Khi xảy ra mâu thuẫn, do cách xử lý không khéo léo, khả năng quản lý cảm xúc không tốt, thiếu kiềm chế hoặc vì muốn thể hiện cái tôi của một số người dẫn đến hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, sự xuống cấp về đạo đức và lối sống, xem thường tính mạng của người khác, xem thường pháp luật nên một số người đã thực hiện hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mà không nghĩ đến hậu quả.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng, một số vụ bạo lực xảy ra cũng có một phần lỗi của nạn nhân. Khi xảy ra mẫu thuẫn, xích mích, va chạm; nạn nhân có hành vi gây gổ, đánh đập, dọa giết người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội; hành vi này đã thúc đẩy người phạm tội rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi sử dụng bạo lực gây ra, người có hành vi bạo lực có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phạm tội giết người thì bị phạt tù, mức cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì bị phạt tù, mức cao nhất lên đến 07 năm; phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt tù, mức cao nhất lên đến 20 năm, tù chung thân; phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù, mức cao nhất lên đến 03 năm.
Để giải quyết và hạn chế những hành vi bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn, xích mích đòi hỏi mỗi người phải có cách hành xử và lối sống đúng mực, chấp hành pháp luật. Khi xảy ra xích mích, mâu thuẫn, cần phải tỉnh táo, kiềm chế cảm xúc, bình tĩnh giải quyết để tránh đẩy sự việc đi quá xa gây hậu quả đáng tiếc.
Gia đình, nhà trường và các đoàn thể cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo lập môi trường và định hướng các hoạt động xã hội lành mạnh, trang bị cho giới trẻ kỹ năng xử lý những vẫn đề phát sinh trong cuộc sống./.
Anh Tuyết